Thị trường nội thất Việt Nam: “Mải” ngoại, “quên” nội.

Trong một thời gian dài, ngành sản xuất đồ gỗ nội thất Việt Nam chỉ chú trọng xuất khẩu và dường như đã bỏ quên “sân nhà”.

 

Đây là hiện trạng cần được khắc phục, nhất là trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ đang gặp nhiều khó khăn.

Tiềm năng thị trường nội thất Việt Nam

Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, những năm gần đây, nhu cầu về tiêu dùng các sản phẩm nội thất tại thị trường nội địa tăng lên mạnh mẽ, trong đó việc mua sắm các sản phẩm nội thất gia đình như ghế sofa phòng khách, bàn ghế ăn… có mức tăng trưởng rất lớn. Các sản phẩm đồ gỗ cho các khách sạn, văn phòng cho thuê… cũng có xu hướng tăng nhanh so với những năm trước.

Với dân số trên 93 triệu dân, tốc độ đô thị hóa nhanh, mỗi năm có tới 70 – 80 triệu m2 nhà mới được xây dựng, cùng với một nền kinh tế tăng trưởng ổn định thì có thể nhận định nhu cầu về các sản phẩm nội thất tại thị trường nội địa Việt Nam sẽ còn rất tiềm năng và ổn định trong dài hạn.

Đây thực sự là một thị trường không nhỏ để các doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng nhằm gia tăng doanh thu, giảm lệ thuộc vào xuất khẩu. Tuy nhiên, vì mải mê chạy theo xuất khẩu mà các doanh nghiệp gỗ trong nước đang bỏ quên chính sân nhà của mình.

Ông Phùng Hoa Cương, một trong những chuyên gia đã hoạt động lâu năm trong ngành Nội thất, CEO Hãng Nội thất FURNILAND đánh giá: “Nhu cầu các sản phẩm nội thất cao cấp trong nước thực sự rất lớn và sẽ còn tăng trưởng dài hạn, nhưng hiện vẫn đang là sân chơi của các sản phẩm nhập khẩu do nhà sản xuất trong nước vẫn chỉ chú trọng vào xuất khẩu. Đây là một điều rất đáng tiếc vì Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu đồ gỗ lớn (đứng thứ 2 tại châu Á, chỉ sau Trung Quốc).

Các sản phẩm của ta đã và đang được ưa chuộng tại nhiều thị trường lớn và khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… Khách hàng trong nước có thể sẽ ngạc nhiên và thú vị khi biết nhiều sản phẩm như ghế sofa hay bàn ăn của các gã khổng lồ trong ngành nội thất thế giới như IKEA, WAYFAIR, NITORI… được gia công ngay tại Việt Nam. Nếu được cung cấp cho khách hàng trong nước, các sản phẩm này chắc chắn sẽ nhanh chóng dành được thị phần đáng kể.

Với các doanh nghiệp sản xuất, việc khai thác thị trường nội địa có thể được coi là giải pháp hữu ích giúp đa dạng đầu ra, giảm rủi ro khi phụ thuộc vào xuất khẩu, đặc biệt là trong tình hình hiện tại khi nhiều nhà máy đã và đang phải giảm đáng kể công suất hoặc đóng cửa vì hầu hết các thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn lớn do chiến tranh, dịch bệnh, lạm phát…”.

Tiềm năng “tái chiếm sân nhà”

Hiện nay, một số doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu đã có những thay đổi mạnh mẽ nhằm khai thác tiềm năng thị trường nội địa. Dù vậy, khó khăn lớn nhất là chưa tạo mạng lưới liên kết với các công ty phân phối sản phẩm để người tiêu dùng biết tới; chưa tạo ra được những sản phẩm đa dạng, có thiết kế phù hợp thị hiếu thị trường, hệ thống phân phối và giá bán hợp lý.

Để làm được việc này, Nhà nước cũng cần có cơ chế chính sách phù hợp hỗ trợ phát triển sản phẩm nội địa, đồng thời khuyến khích liên kết giữa nhà sản xuất và doanh nghiệp bán lẻ trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nội thất Việt chiếm lĩnh thị trường nội địa…

Nhìn chung, việc thúc đẩy xuất khẩu ra các thị trường quốc tế là điều vô cùng cần thiết để thúc đẩy kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, không nên “mải” ngoại – “quên” nội để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng Việt vốn cũng rất tiềm năng.

(Theo VTV.vn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *